Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Trúc Phương - nạn nhân của chính tài hoa mình.


Du Tử Lê
Nhạc sĩ Trúc Phương.

Trước khi đi sâu vào cõi giới âm nhạc của nhạc sĩ Trúc Phương, tôi nghĩ chúng ta cũng nên lược qua tiểu sử đời ông; để những người trẻ lớn lên sau 1975, có chút khái niệm về con người, đời sống và những gì ông đã tận hiến cho nền tân nhạc miền Nam Việt Nam 20 năm, trước đây.
Theo những tư liệu được trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia và, bài viết của tác giả Hàn Phương thì:
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật Nguyễn Thiện Lộc. Ông sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), vùng hạ lưu sông Cửu Long. (1) Cha ông là một nhà giáo sống kín đáo, nghiêm túc. Nhưng Trúc Phương/Nguyễn Thiện Lộc thì ngược lại. Ngay từ tấm bé, ông đã cho thấy thiên tư hay khả năng âm nhạc đặc biệt. Ông tìm vào cõi giới của âm thanh, cung bậc rất sớm.
Mười lăm tuổi, Nguyễn Thiện Lộc đã mày mò, tập tành sáng tác ca khúc.
Tác giả Hàn Phương kể, địa phương, nơi họ Nguyễn trải qua thời niên thiếu là một vùng đất bao bọc bởi nhiều rặng tre, trúc... Do đấy, khi cần chọn cho mình một bút hiệu, họ Nguyễn chọn hai chữ “Trúc Phương.”
Vẫn theo Hàn Phương thì, cuối thập niên 1950, Trúc Phương sinh hoạt văn nghệ với các nghệ sĩ ở Ty Thông Tin tỉnh Vĩnh Bình một thời gian, trước khi lên Sài Gòn dạy nhạc và sáng tác ca khúc. Hai ca khúc đầu tay, ký tên Trúc Phương, được trình làng, là bài “Tình Thắm Duyên Quê” và “Chiều Làng Em.” (2)
Ca khúc “Chiều Làng Em” có những câu như:
“Quê em nắng vàng nhạt cô thôn / Vài mây trắng dật dờ nơi cuối trời / Bâng khuâng tiếng hò qua xóm vắng / Khói lam buồn như muốn ngừng thời gian.” (3) Với hai sáng tác đầu tay kể trên, cho thấy cõi giới âm nhạc khởi nghiệp của Trúc Phương là tình tự quê hương. Không phải tình yêu tan vỡ hoặc thân phận người lính như nhiều sáng tác sau đó.
Tới nay, không ai biết, có phải vì đổ vỡ, bẽ bàng của mối tình đầu, Trúc Phương có với một người con gái, con nhà giầu, học trò nhạc của Trúc Phương, ở Gia Ðịnh, ngay những ngày đầu tiên, khi ông mới bước chân vào chốn phồn hoa đô hội - Mà, từ đó, hàng loạt ca khúc nói về đổ vỡ, chia lìa ra đời - Làm mủi lòng, gây thương cảm cho hàng triệu thính giả miền Nam, thời ấy?
Tôi trộm nghĩ, những người ái mộ Trúc Phương sẽ thương quý ông hơn, nếu biết chuyện ông bị cha mẹ của cô học trò đem lòng yêu ông, đuổi ông ra khỏi nhà, ngay khi họ phát giác chuyện tình của hai người!
Ðổ vỡ này không chỉ là một bẽ bàng, ê chề đầu đời của tác giả “Ai Cho Tôi Tình Yêu” mà, thực tế, còn đẩy ông tới chỗ không nơi tạm trú nữa!
Từ những bước chân vô định và những đêm lang thang khắp các ngả đường Saigon, Trúc Phương có hai tình khúc “Nửa Ðêm Ngoài Phố” và “Buồn Trong Kỷ Niệm.” Như một thứ định mệnh mang tính “song trùng”: Hai ca khúc kia đã mở rộng cánh cửa huy hoàng cho tiếng hát Thanh Thúy! Ðến độ, có một thời gian, nhắc tới Thanh Thúy, người ta liên tưởng ngay tới “Nửa Ðêm Ngoài Phố,” “Buồn Trong Kỷ Niệm.” Và, ngược lại.
Giới thưởng ngoạn tân nhạc ở thời điểm này, hẳn chưa quên những ca từ như:
“Ðường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn / Ðôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ / Có đâu chỉ thế, tiếc thương chỉ thế / Khi hai mơ ước không chung cùng vui lối về...”(Buồn Trong Kỷ Niệm.) (4)
Hoặc:
“Buồn vào hồn không tên / Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
“Ðường phố vắng đêm nao quen một người / Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời
“Ðể rồi làm sao quên?...” (Nửa Ðêm Ngoài Phố.) (5) Hai ca khúc ấy, như đã nói, không chỉ mang đến cho ca sĩ Thanh Thúy, những vòng nguyệt quế mà, tự thân, nó còn cho thấy tính phổ biến sâu rộng với lời hai, phổ biến trong dân gian. Như:
“Ðường vào trường đua có trăm thua, có một lần... huề...”
Ở góc độ quần chúng, đó là một thành tựu mà, không phải ca khúc nổi tiếng nào, cũng vinh dự có được.
Trúc Phương trở thành một trong những đỉnh cao của sự được ngưỡng mộ. Nhưng không vì thế mà định mệnh nương tay vùi dập vị “hoàng tử của những tình khúc đổ vỡ, chia lìa” kia. Ðịnh mệnh vẫn gán cho ông bản án: “Nạn nhân của chính tài hoa mình?”
Thực tế đời thường một lần nữa, lại cho thấy thuộc tính cay nghiệt của nó.
Hàn Phương kể, năm 1970, Trúc Phương được một thiếu nữ thuộc loại “lá ngọc cành vàng” chọn, để “cùng chung một hướng đời” - Một hướng đời nửa đường! Nửa đoạn!
Hàn Phương cho biết, niềm vui của đôi lứa này lại không được bền lâu!
Khiến sau đó, nhạc sĩ Trúc Phương đã buông thả đời mình trong bi phẫn và, men rượu. Nhưng, cũng như chia lìa trước, trong những khoảnh khắc giãy giụa, phẫn nộ giữa bẽ bàng, ê chề, Trúc Phương có những sáng tác, như những bức tranh hiện thực cảnh đời!
Ðó là thời gian ông chắt đau thương nhỏ vào những ca khúc như “Hai Lối Mộng”:
“Xin giã biệt bạn lòng ơi / Trao trả môi người cười / Vì hai lối mộng hai hướng trông / Mình thương nhau chưa trót / Thì chớ mang nỗi buồn theo bước đời / Cho dù chưa lần nói...” (6)
Hoặc “Thói Ðời”:
“Người yêu ta rồi cũng xa ta / nên chung thân ta giận cuộc đời! / Ðôi mắt nào từng đêm buốt giá! / Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở / Tiền đổi thay khi rủ cơn mê / để chua xót trên lối về!” (7) Theo ghi nhận của nhiều người thì, tính tiên cảm mạnh mẽ có nơi một số thi sĩ, nhạc sĩ... thường cho họ khả năng “nói trước” về đời họ, ở những ngày sẽ tới. (Hay đó là tính chất “vận vào người” theo cách nói của thi hào Nguyễn Du?)
Tôi không biết. Nhưng nội dung của ca khúc “Thói Ðời” đã phần nào phản ảnh đời thực của nhạc sĩ Trúc Phương chỉ ít năm sau khi tác phẩm này ra đời!
Ðó là khi biến cố 30 tháng 4, 1975 ập tới, như đa số những văn nghệ sĩ không có trong tay một nghề chuyên môn nào khác hơn khả năng sáng tác, vị “hoàng tử của những tình khúc đổ vỡ, chia lìa,” phải bươn chải để lây lất sống còn...
Tuy nhiên, trong cơn đại nạn của cả một dân tộc thì, dù nhẫn nhục cách mấy, cũng có lúc Trúc Phương không thể tự lo lấy cho mình.
Trong hoàn cảnh này, ông trở về Trà Vinh, tìm sự giúp đỡ của bạn bè cùng xứ...
Ở đấy, theo lời kể của Hàn Phương, có người hỏi tác giả “Ai Cho Tôi Tình Yêu” rằng, sao không về ở hẳn quê cũ?
Trước câu hỏi tuy có lý, nhưng vô tình lại xé rách thêm vết thương thầm kín của mình, Trúc Phương đáp:
“Má của tôi thì già yếu ở dưới quê Cầu Ngang (Trà Vinh). Nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc, không đủ ăn... Tôi đã không đỡ dần được bà chút gì... đâu thể nào tìm về để khổ cho bà thêm nữa!” Ở Trà Vinh với bạn cũ một thời gian, Trúc Phương tìm đường về lại Sài Gòn. Ban ngày ông làm thuê, làm mướn đủ mọi thứ nghề, lang thang khắp nơi. Trong một video clip (duy nhất?) trước khi từ trần, ông nói, đại ý:
“Sau biến cố cuộc đời, tôi sống kiểu rày đây mai đó... Nói là đói thì cũng không đói ngày nào. Nhưng nói no thì cũng chẳng có ngày nào gọi là no... Tôi không có nổi cái mái nhà. Vợ con thì cũng tan nát rồi. Tôi sống nhờ bạn bè. Nhưng khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, nên không ai đùm bọc ai được... Lại nữa lúc đó vấn đề an ninh rất khe khắc. Bạn bè không ai dám ‘chứa’ tôi trong nhà, vì tôi không có giấy tờ tùy thân. Cũng chẳng có thứ gì khác trong người... Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào có khách vãng lai, chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ... Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì ra Xa Cảng thuê một chiếc chiếu. Một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng. Ngủ tới sáng, xếp chiếu lại, trả cho người ta. Mình lấy lại 1 đồng, như tiền thế chân vậy...
“Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa Cảng hết 9 tháng... Mà nói anh thương... khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ; thuê được chiếc chiếu trải được chỗ lịch sự chút, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ, những chỗ sạch sẽ, vệ sinh người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát... Lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế; nhưng tôi không bao giờ buồn... Tôi nghĩ thôi, cũng là may mắn lắm rồi, còn được sống tới bây giờ, và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này vậy...”
Tiếc thay, tới ngày từ trần, “nạn nhân của chính tài hoa mình,” Trúc Phương đã không sáng tác thêm được ca khúc nào khác!
nslekim wrote on May 11, '11, edited on May 14, '11
Ôi! Những bài hát khó thể nào quên.
nslekim wrote on May 11, '11, edited on May 14, '11

Tặng anh Kev bài HAI LỐI MỘNG, Thanh Thúy hát nhé!
funnysunday wrote on May 11, '11
"Chữ tài liền với chữ tai một vần".
cuoidekhonggia wrote on May 13, '11
“Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa Cảng hết 9 tháng... Mà nói anh thương... khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ; thuê được chiếc chiếu trải được chỗ lịch sự chút, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ, những chỗ sạch sẽ, vệ sinh người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát... Lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế; nhưng tôi không bao giờ buồn... Tôi nghĩ thôi, cũng là may mắn lắm rồi, còn được sống tới bây giờ, và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này vậy...”

Thật là đáng khâm phục
sydney2000 wrote on May 13, '11
@ nslekim : Thanks very much !
sydney2000 wrote on May 13, '11
"Chữ tài liền với chữ tai một vần". 
Dung nhu the,em a
sydney2000 wrote on May 13, '11
“Một năm như vậy, tôi ngủ ở Xa Cảng hết 9 tháng... Mà nói anh thương... khổ lắm! Hôm nào có tiền để đi xe lam, ra đó sớm khoảng chừng năm giờ; thuê được chiếc chiếu trải được chỗ lịch sự chút, tương đối vệ sinh một tí. Nhưng mà hôm nào ra trễ, những chỗ sạch sẽ, vệ sinh người khác chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè’, cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát... Lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế; nhưng tôi không bao giờ buồn... Tôi nghĩ thôi, cũng là may mắn lắm rồi, còn được sống tới bây giờ, và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này vậy...”

Thật là đáng khâm phục
 
Đường thương đau đày ải nhân gian
ai chưa qua chưa phải là người !
Trong thói đời, cười ra nước mắt !
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu.
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau....
cuoidekhonggia wrote on May 13, '11
Ui, tự dưng thèm được chạy vào karaoke hát 1 hơi hết 7 bài này rùi về ngủ :)
"buồn vào hồn...không tên..."
funnysunday wrote on May 13, '11
Ui, tự dưng thèm được chạy vào karaoke hát 1 hơi hết 7 bài này rùi về ngủ :)
"buồn vào hồn...không tên..."
 
Lâu rồi không được nghe em hát nhỉ?
linalol wrote on May 13, '11
Nghe buồn não nề! Có khi mình cũng cần phải cứng rắn chớ nên quá bi lụy, để khỏi mang khổ sầu cho mình và cho người thân.,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét