Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

SAU BẢY THÁNG BỐN NGÀY.


Oct 19, '09 7:25 AM
for everyone
Dạo này tôi thấy chữ “sành điệu” bị lạm dụng rất nhiều trên các tạp chí tại Việt Nam, nhất là những tạp chí dành cho người tiêu dùng: Chẳng hạn “Người sành điệu ăn cơm sành điệu, uống bia sành điệu có trúng thưởng móc khóa sành điệu, và ăn mặc sành điệu theo mốt thời thượng ở nước ngoài.” Chữ sành điệu đã trở thành một nhãn hiệu cao cấp, như con tem vàng vàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao” mà các thương gia nội địa hay dán bừa bãi trên các sản phẩm trưng bày ở hội chợ. Cái gì cũng sành điệu tất, cái gì cũng cao cấp tất.
Nhưng phải sống thế nào mới đúng nghĩa sành điệu? Làm người sành điệu đâu phải dễ như làm người mẫu hay diễn viên điện ảnh. Người sành điệu là một thứ động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Chính báo chí trong nước ‘sản xuất’ ra mẫu mực sành điệu này: tạp chí “Tiếp thị và Gia đình” xuất bản những điều kiện cơ bản để trở thành một người sành điệu thật thụ. Tôi cốt chiết lại cho các bạn dễ đọc: Sống và làm việc trong thành phố nhưng cuối tuần thư giãn ở ngoại ô, quận 2 hoặc Thủ Đức, có ô-tô và tài xế riêng, ăn ở nhà hàng sang trọng với thực đơn song ngữ, thường là tiếng Anh, uống rượu vang của Pháp, không bỏ đá, và ăn mặc theo bốn mùa, dù Sài Gòn chỉ có hai mùa nắng-mưa.
Theo định nghĩa trên, tôi không phải là người sành điệu. Nếu phải, tôi cũng phủ nhận tất. Nếu không, còn gì để mà viết. Nhưng tôi đã ‘bán’ trí thức cao cấp để thỏa mãn một chi tiết phụ của những điều kiện trên: Làm thầy giáo Anh văn. Một tiết ba lăm ngàn. Một phút bảy trăm tám chục đồng.
Và câu chuyện bắt đầu.
“Đ. M. điên sao mà đứng giữa đường!” Đây là lời góp ý tôi thường nghe khi chờ đèn xanh ở ngã ba, ngã tư trên đường đến nơi tôi dạy. Trung tâm ngoại ngữ Đại học Sư phạm, chi nhánh 4. Cái chợ trí thức bình dân khóa tám chục ngàn này ở tận bồn binh cây Gõ, Phú Lâm nơi người dân mới làm quen với đèn xanh đèn đỏ. Già trẻ lớn bé, có bằng lái hay chưa có bằng lái, đều vượt đèn đỏ một cách tự nhiên và thoải mái. Chỉ riêng tôi chấp hành luật lệ giao thông một cách mù quáng và cứng ngắc như cái hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện nay mà tôi muốn thay đổi.
“Ối giời, giới trẻ khi nào mà chẳng muốn thay với đổi. Có sai gì đâu mà thay đổi. Năm nào mà chẳng có cải cách, từ sách giáo khoa tới phương pháp giảng dạy.” Tôi xin đồng ý với hai tay giơ cao.., nhưng câu chuyện này xảy ra cách đây 7 tháng 4 ngày nên tôi phải tường trình trung thực. “Phải thay đổi tất cả. Tôi không thể chấp nhận được cái sự thụ động và cứng nhắc của nền giáo dục của chúng ta. Học sinh nhút nhát, thiếu trí tưởng tượng, không dám suy nghĩ cho bản thân, dẫn đến chuyện học tủ, học thêm nhiều hơn học thiệt. Và học sinh luôn tin tưởng thầy cô một cách tuyệt đối. Thực tế không có cái gì là tuyệt đối cả. Xin dẹp cái đạo Khổng thời đại đồ đá vào một bên. Cái thời đàn bà giặt quần lót cho đàn ông xong thì cám ơn đàn ông đã cho họ lý tưởng để sống.” Sau khi nghe tôi thổ lộ tâm tình đại loại như trên, một vài đồng nghiệp khuyên tôi: “Cậu mới đi dạy được có 3 tuần. Rồi cậu sẽ hiểu. Tôi đi dạy 10 năm. Tôi đã thay đổi được cái gì? Một con én không làm nên được mùa xuân nhưng làm đủ một chầu nhậu. Cậu chỉ nên hô hào thay đổi khi đi nhậu thôi. Lý tưởng phải đi đôi với rượu bia vì nó là một món đồ nhắm tuyệt vời. Cậu la khống vậy, chẳng khác gì phá mồi. Cứ theo giáo án mà dạy! Sách Streamline đấy! Thay đổi gì cho mệt.”
Đồng nghiệp của tôi đúng thật, vì tôi luôn mệt mỏi.
Lớp Nghe Nói.
Mỗi lần lên lớp tôi thường hỏi học sinh. “How are you?” Ba mươi học sinh trong lớp luôn luôn đồng thanh trả lời. “Ai em phai. Thanh kiều. Èn du?” Ba tuần qua, ngày nào cũng như ngày nào. Ba mươi mạng như một. Không ai bệnh. Không ai mệt. Chỉ mình tôi. Nhưng hôm nay tôi hỏi vặn lại. “Ai cũng khoẻ cả. Rất tốt. Nhưng nếu các bạn bệnh hay mệt thì trả lời như thế nào?” Ba mươi mặt nhìn tôi, chẳng ai biết câu trả lời. Im lặng. Tôi thở dài trách mình đã đồng lõa rập khuôn ba mươi người thành những cái bánh in cứng ngắc, khô khan.
Bây giờ xin quay lại vấn đề sành điệu.
Tiếng Anh là sản phẩm trí tuệ bán chạy nhất trên thế giới. Không cần các em ‘tiếp thị’ mặc áo bó thân. Không cần quảng cáo. Không cần giảm giá. Học sinh tự động rủ nhau đăng ký học khóa này sang khóa khác. Các trung tâm Anh ngữ không bao giờ thiếu học sinh. Các thầy cô giáo Anh văn luôn có việc làm. Do đó tôi xin thay mặt các thầy cô giáo cám ơn MTV, boy-band và phim hành động Mỹ luôn làm giới trẻ tò mò, muốn học thêm tiếng Anh để tìm hiểu về văn hóa nước ngoài.
Tôi nói thế để mục đích đi học của các em có vẻ cao thượng, thiêng liêng: nào văn hóa học, nào xã hội học, nào ngôn ngữ học. Thật sự tôi phải cám ơn đồng đô-la của các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhiều lúc phải gọi là bóc lột, vì nguồn nhân lực thật dồi dào và thật rẻ. Cám ơn đồng đô-la của khách du lịch nước ngoài muốn tìm cảm giác lạ từ khoái lạc da thịt tới sự khổ cực của cày bừa để cuộc sống có máy lạnh và có đồ hộp thêm phần phong phú và đa dạng. Cám ơn thói sính ngoại của những người có tiền, nói bập bẹ vài chữ tiếng Anh, đi du lịch ở Thái hay Sing-ga-por vài lần, chủ yếu (mục đích) để mua sắm nhưng luôn muốn được cái nhìn ngoài cái hộp, xuyên thấu văn hóa và ngôn ngữ để phê bình người Việt Nam còn quá lạc hậu. “Người Việt Nam chúng ta còn quá chậm trong công cuộc Mỹ hoá, Đại hàn hóa. Chúng ta phải ăn fastfood nhiều hơn, phải trộn lẫn đại từ tiếng Anh với ngôn từ tiếng Việt nhiều hơn. Nhai nuốt nó cho quen miệng. Du và mi thật là i-gì.”
Đọc đến đây nhiều người chắc đang nghĩ là tôi bất mãn nên đâm ra chua chát. Châm biếm tất cả mọi thứ qua những cơn shốc nhẹ của văn từ. Nếu các bạn nghĩ vậy thì tôi chỉ biết cười trừ. Nhưng nếu là bảy tháng trước, tôi chắc sẽ nhếch mép chê các bạn cổ hủ, như hai nhà văn trẻ với tập truyện ngắn sáu mươi lăm ngàn đã từng chê tôi khi tôi nhắn tin cho họ vào một đêm mất ngủ. “Truyện ngắn của các bạn thật shốc. Shốc làm gì? Viết như vậy chẳng khác gì đi nhuộm tóc nâu rồi cỡi a còng đi làm đĩ.” (Nếu tôi còn ở Việt Nam thì tôi chắc sẽ nhắn tin xin lỗi họ và mong họ tha lỗi cho tôi)
Xin thổ lộ thêm vài điều riêng tư để các bạn hiểu thêm về shốc.
Cách đây hơn một năm, ngày tôi ra trường, cầm cái bằng kỹ sư trong tay mà phân vân. Tôi sắp được làm người lớn hay sắp phải làm người lớn?
Người lớn đây không phải là bể giọng, mọc râu mới thành người lớn mà là đi làm một ngày tám tiếng trong một cái hộp màu xám của sự tẻ nhạt và cô đơn. Một bàn, một ghế, một máy vi tính và một mình. Mọi thứ xung quanh: nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, màu sắc trên chiếc cà-ra-vát của đồng nghiệp là một hằng số. Và tôi cũng sẽ trở thành một hằng số như cái IP address của máy vi tính của tôi. Đương nhiên không phải ai cũng suy nghĩ như tôi vì nhiều người thích làm một con số hơn là một con người.
Tôi nhất định ra đi, tránh cái màu xám chết chóc của công việc. Ve VN....
....Sân bay Tân Sơn Nhứt.
Lý do nhập cảnh: Lý tưởng! Tôi muốn thay đổi. 
Những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, tôi loanh quanh trên đường. Lạc lõng không điểm đến. Làm gì đây? Thay đổi gì đây? Sau một thời gian lẩn thẩn, tôi quyết định đi dạy tiếng Anh. Tôi lầm tưởng sinh viên Việt Nam cần một sự đổi mới trẻ trung và rất bình dân từ nước Mỹ.
Trong 4 tháng dạy tiếng Anh, tôi bị đuổi việc 2 lần.
Lý do (theo tôi): Không có phong cách của một thầy giáo Việt Nam. Thầy cô giáo không mặc áo thun và quần jean đi dạy.
Hôm tôi bị đuổi việc, sếp gọi di động cho tôi. “Chào Hoàng. Trường đang sắp xếp lại thời khóa biểu. Hoàng tạm thời nghỉ dạy một thời gian nhe. Bye!” Tôi sững sờ. Sao lại sắp xếp lại thời khóa biểu giữa khóa? Ngày đầu tiên đi dạy, sếp chính là người bảo tôi gieo mầm thay đổi và hy vọng năm, mười năm sau nó sẽ nảy mầm. “Việt Nam cần nhiều người như cậu.”
Và cuối cùng ông ta cũng chính là người đuổi tôi.
“Thay đổi. Chúng ta phải thay đổi nhưng phải theo cách nhìn của tôi. Nếu không thì bái bai cậu.”
Sếp tôi thà tốn ba ngàn một phút tiền di động để đuổi tôi, một anh giáo viên lương bảy trăm tám chục đồng một phút. Tôi tệ đến như vậy sao?
Bây giờ tôi sắp lên máy bay rồi. Những điều trên chẳng qua là những chuyện buồn bực trong thời gian tôi ở Sài Gòn. Tôi chắc đã hết bực rồi, chỉ buồn thôi, buồn vì lúc trước tôi bực.
Máy bay đã cất cánh.
Kết thúc!
Nhiều người hỏi tôi. “Sau bảy tháng ở Việt Nam, học được điều gì? Rút ra được kết luận gì?” Tôi hay trả lời cộc lốc. “Tiểu thuyết hiện đại đâu bao giờ có kết thúc. Họ chỉ ngưng viết thôi.” Nếu các bạn chưa hài lòng thì tôi xin trả lời theo kiểu truyện kiếm hiệp của em tôi vậy. “Hồi sau sẽ rõ.”
Hoàng Ngô*  
( * Ngô Hoàng theo gia đình đinh cư tại nuoc ngoai` năm lên 15 tuổi, hiện đang là đang học bậc tiến sĩ Sử tại Uni. of WST.)
hoacucvang wrote on Oct 19, '09
:D
punkikite wrote on Oct 22, '09
hix, một cánh én nhỏ ko làm nên mùa xuân bởi người ta quen với mùa hè anh à. Chúc anh luôn vui khỏe. Em cũng về quê thôi.
linalol wrote on May 20
Hồi sau sẽ rõ:))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét