Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Cháy xe, sự im lặng và trách nhiệm công bộc?


Năm 2011 đã qua đi, nhìn về quê Mẹ VN để tìm 1 câu chuyện vui hay 1 thông tin tích cực thì vô cùng hiếm hoi,chủ yếu chỉ là những câu chuyện buồn thậm chí là bi đát, xót xa...cho 1 đất nước, cho 1 dân tộc. Trong vô vàn những "câu chuyện buồn" đang xãy ra hàng ngày đó, thì có 1 câu chuyên buồn đang gây hoang mang và lo lắng cho mọi người dân, đó là chuyện cháy xe. Trong cuộc sống,không ai biết được những biến cố gì sẽ xãy ra, nhưng khi phải đối diện với các biến cố, điều bi hài nhất là sự im lặng 1 cách khó hiểu của các cơ quan có trách nhiệm mà đứng đầu là Nhà Nước. Gần như là 1 sự vô cảm.

Hôm nay,tình cờ đọc được 1 bài viết ở trang mạng "Tuần Viet Nam" ,thuộc "lề bên phải", hình như do Bô Văn Hóa Thông Tin VN quản lý.Đây là trang mạng mà thỉnh thoảng có những bài viết hay và tương đối khách quan nhưng cũng vì như thế nên thỉnh thoảng có những bài viết chỉ xuất hiện vài ngày hay thậm chí vài giờ thì bỗng nhiên "biến mất".

Và đây là bài viết : Cháy xe, sự im lặng và trách nhiệm công bộc? của tác giả Hà Văn Thịnh


Cháy xe, sự im lặng và trách nhiệm công bộc?

Chuyện 89 chiếc ô tô, xe gắn máy cháy nổ có thể là chuyện "nhỏ" so với gần 40 triệu chiếc (xe máy và ô tô) đang lưu thông trên đường nhưng đó lại là chuyện của cái cửa sổ đặc biệt bị cháy - một hoặc rất nhiều cánh cửa rất lớn dẫu xét theo góc độ xã hội hay xét theo trách nhiệm của người quản lý!


Năm 2011 vừa qua đi với không ít những nỗi đau, những buồn vui, những chuyện động trời... Nhưng, có thể nói rằng hiện tượng cháy xe máy, xe ô tô diễn ra liên tục, đã làm người dân vô cùng hốt hoảng, và tiếp đó, rất đau đầu...Vì không rõ nguyên nhân, trước sự im lặng khó hiểu của các cơ quan có trách nhiệm. Đó có thể nói cũng là một trong những sự bi hài đáng trách nhất?

Tại sao sự bất an và sự thờ ơ mãi song hành?
Tổng cộng, trong năm 2011, cả nước có 89 vụ cháy ô tô, xe máy (trong đó ô tô chiếm 50 vụ, xe máy là 39 vụ) làm hai người chết, hai người bị thương cùng với sự thiệt hại về tài sản lên đến nhiều tỷ đồng. Số vụ việc gây cháy nổ "không rõ nguyên nhân" đối với ô tô là 50% (25/50), đối với xe máy là 72% (31/39) (VietNamNet, ngày 4/1/2012).

Điều đáng quan tâm hơn cả là kể từ khi có vụ cháy xe đầu tiên (đầu tháng 12/2010) đến khi cơ quan đầu tiênnhận trách nhiệm là Bộ Giao thông Vận tải (tối 3/1/2012) vừa qua là gần vừa tròn 13 tháng(!)

13 tháng có cả người chết và người bị thương. 13 tháng để có một cuộc họp báo. 13 tháng để dân tự bơi, tự nghĩ, tự hiểu, tự lo và 13 tháng để các doanh nghiệp có xe bị cháy hốt hoảng...

Bởi sự sụt giảm kinh doanh, sự nghi ngờ về thương hiệu, sự khó hiểu từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với "mức độ an toàn khả tín của chính quyền, theo nghĩa 'lặng im là một phần của quy kết" (điều cốt tử bảo đảm cho sự an lành về môi trường kinh doanh). Rồi việc tăng - giảm sức mua của xã hội (người dân); trật tự và an toàn giao thông (ổn định xã hội)..., chắc chắn là những điều không hề nhỏ một chút nào.

Các con số thống kê không hề nhỏ, và sự hoang mang, nhức nhối tâm lý xã hội liên tục căng thẳng, nói lên nhiều điều lắm. Nó buộc chúng ta phải bàn, ít nhất theo nghĩa hẹp có thể là để những ngày sau, những năm sau, không còn tái diễn sự lạnh lùng của vô cảm, sự thờ ơ của trách nhiệm và sự ít đi những cái chết vô lý- những tổn thất không đáng có về nhân mạng, tài sản, niềm tin.
Trước hết, phải ghi nhận tinh thần dám chịu trách nhiệm (dù rất muộn màng) của Bộ GTVT. Trong một loạt các "thành viên" về nguyên tắc có thể có liên quan như Bộ Công thương, Petrolimex, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì chỉ duy nhất, cuối cùng, Bộ "phụ trách đi lại" lên tiếng (dẫu xe có đang đỗ bị cháy vì bị cố tình đốt hay do hỏa hoạn).
Cái tinh thần "kiên trì lặng thinh" ấy nó nói lên rằng tình trạng "lắm thầy rầy ma" là một thực tế hiển nhiên, nhằm dễ bề thoái thác trách nhiệm của các bậc công bộc của dân. Tại sao sự bất an của xã hội, sự thờ ơ của trách nhiệm cứ tiếp tục mãi song hành, cho dù báo chí nói nhiều đến cách mấy đi nữa?

Một chiếc xe máy bốc cháy trên cầu Chương Dương hôm 14/12. Ảnh: VietNamNet

"Cha chung không ai khóc"

Xét về phương diện xã hội, việc mỗi tuần có hai cái xe máy - ô tô bị cháy không thể coi là chuyện bình thường. Đã không bình thường thì nhất định phải có những nguyên nhân đặc thù. Xe - máy của nhiều hãng khác nhau, được dùng ở nhiều nước (có điều kiện chế tạo công nghiệp, khí hậu tương tự) nhưng chỉ duy nhất nước ta là cháy nổ liên tục.

Dĩ nhiên không thể quy lỗi cho nhà sản xuất hay chập điện thông thường. Nếu loại trừ gói nguyên nhân thông thường thì lẽ ra phải tìm ra, truy ra nhanh chóng "thủ phạm" dẫu gián tiếp cố tình hay cố ý.

Mặt khác, một trong những hậu quả nhiều hệ lụy đối với các chủ doanh nghiệp sản xuất - nhập khẩu xe - máy, là càng để mối nghi ngờ kéo dài thì nguy cơ sứt mẻ về thương hiệu, giảm sút về uy tín là càng trở nên đương nhiên.
Tại sao không đặt câu hỏi rằng nếu không sớm tìm ra các nguyên nhân gây cháy nổ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sẽ cho rằng các cấp bậc quản lý để mặc cho doanh nghiệp tự chống chèo, mà chỉ cần biết là thu thuế đủ hay không?
Sự tổn hại này không nhỏ hơn - thậm chí lớn hơn mức độ thiệt hại kinh tế do cháy nổ gây ra. Bởi nó đánh rất mạnh vào lòng tin và sự yên tâm của các nhà đầu tư, mức độ khả tín trong cạnh tranh công bằng. Ai dám chắc các vụ cháy nổ là không do những kẻ xấu muốn vùi dập một vài thương hiệu nào đó?

Điều cuối cùng - cái nguy hại lớn nhất đó là sự im lặng khó hiểu trên đây đã làm trầm trọng hơn căn bệnh vô cảm của nhận thức về tính trách nhiệm của Nhà nước. Thật buồn khi mọi sai sót đều đổ lên đầu Nhà nước,trong khi Nhà nước đã có các cơ quan chuyên trách đảm nhiệm các phần việc cụ thể?


Vậy, "ai" là "người" phải chịu trách nhiệm chính? Cơ quan công an chậm trễ điều tra cho có hay Bộ Công thương không kiểm soát nổi chất lượng mua bán xăng dầu? Hay Bộ GTVT không kiểm định tốt chất lượng phương tiện tham gia lưu thông? Hàng loạt câu hỏi của cái gọi là "cha chung không ai khóc" đã làm cho người dân  ... khóc, vì phải lãnh đủ, lãnh lâu dài và bất lực mọi hậu họa...
Năm 2005, Malcol Gladwell trong cuốn sách The Tipping Point (Điểm nút của vấn đề) đã phát triển ý tưởng về "lý thuyết cửa sổ vỡ" của hai nhà tội phạm học là James Q. Wilson và George Kelling để khẳng định rằng: "Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn. Nếu có thể tạo ra những thay đổi cho một thành phố thì cũng có thể tạo nên những thay đổi cho một đất nước".
Câu chuyện về "cửa sổ vỡ" kể rằng nếu thấy một cánh cửa bị vỡ vụn mà không ai quan tâm thì những người khác đương nhiên tin rằng không ai quan tâm và chẳng ai phải chịu trách nhiệm về chuyện đó! Và, thế là, tai họa của sự hư đốn xã hội sẽ bắt đầu!
Chuyện 89 chiếc ô tô, xe gắn máy cháy nổ có thể là chuyện "nhỏ" so với gần 40 triệu chiếc (xe máy và ô tô) đang lưu thông trên đường nhưng đó lại là chuyện của cái cửa sổ đặc biệt bị cháy - một hoặc rất nhiều cánh cửa rất lớn dẫu xét theo góc độ xã hội hay xét theo trách nhiệm của người quản lý!
funnysunday wrote on Jan 9
Quê mẹ ơi quê mẹ, buồn sao ra rứa.
binhyen115 wrote on Jan 9
Đọc những bài viết như ni đau lòng lắm a Sít ơi! Nên e ko đọc nhiều đâu! :((
linalol wrote on Jan 10
Đang lo Tết ni thiên hạ đi thăm bà con, đường sá chật hẹp, xe cộ chen chúc hay tắc nghẽn giao thông, cứ rồ máy để chờ xe đi. Lỡ mà cháy một phát, nhất là cái đoạn qua cầu...Thấy ớn quá !!!
linalol wrote on Jan 10
sydney2000 said
"Đừng nên xem nhẹ những chuyện nhỏ. Chúng có thể tạo nên những biến đổi to lớn. Nếu có thể tạo ra những thay đổi cho một thành phố thì cũng có thể tạo nên những thay đổi cho một đất nước".
Câu ni chỉ dành cho dân đọc, mà chỉ có cái loại " dân gàn" đọc mới hiểu và tiếp thu nỗi ý nghĩa của những câu như ri mà thôi:((
huynhkimdieu wrote on Jan 10
Ta nói vừa rồi em đọc bài báo nói về vụ xăng pha nữa kìa, eo thế là những ai đi xe đều thấp thỏm thành heo quay hic hic
hoadai79 wrote on Jan 11
Mua đc chiếc xe là cả 1 vấn đề, dù chỉ là xe 2 bánh. :D
Dạo này chạy xe mà cứ hùi hụp, đổ xăng k dám đổ cho đầy... haiza
sydney2000 wrote on Jan 11
vivienne99 said
Buồn a hén 
Ừ, em nhỉ
sydney2000 wrote on Jan 11
Quê mẹ ơi quê mẹ, buồn sao ra rứa. 
Quê Mẹ VN cứ buồn muôn thuở như rứa hoài.Huhu
sydney2000 wrote on Jan 11
binhyen115 said
Đọc những bài viết như ni đau lòng lắm a Sít ơi! Nên e ko đọc nhiều đâu! :(( 
Ừ, đúng rồi đó. Đọc "Nhật ký Tình yêu" thì dễ thương hơn em hén
sydney2000 wrote on Jan 11
linalol said
Đang lo Tết ni thiên hạ đi thăm bà con, đường sá chật hẹp, xe cộ chen chúc hay tắc nghẽn giao thông, cứ rồ máy để chờ xe đi. Lỡ mà cháy một phát, nhất là cái đoạn qua cầu...Thấy ớn quá !!! 
Bước ra đường là thấy bất an rồi Chị nhỉ. Cháy xe chỉ là 1 trong nhiều nguyên do
linalol wrote on Jan 11
sydney2000 said
Bước ra đường là thấy bất an rồi Chị nhỉ. Cháy xe chỉ là 1 trong nhiều nguyên do 
Đúng là thế thật:((
sydney2000 wrote on Jan 11
linalol said
Câu ni chỉ dành cho dân đọc, mà chỉ có cái loại " dân gàn" đọc mới hiểu và tiếp thu nỗi ý nghĩa của những câu như ri mà thôi:(( 
Đọc bài này, mấy dòng kết luận cuối cùng là hay nhất. Không có điều gì là không thể
sydney2000 wrote on Jan 11
Ta nói vừa rồi em đọc bài báo nói về vụ xăng pha nữa kìa, eo thế là những ai đi xe đều thấp thỏm thành heo quay hic hic 
Thôi thì quay lại ngày xưa, sau năm 30/4/1975, khi miền Nam được "giải phóng", cả nước chỉ đi bộ hay đi xe đạp...thế thì khỏi lo cháy xe.Hehe
sydney2000 wrote on Jan 11
hoadai79 said
Mua đc chiếc xe là cả 1 vấn đề, dù chỉ là xe 2 bánh. :D
Dạo này chạy xe mà cứ hùi hụp, đổ xăng k dám đổ cho đầy... haiza
 
Thật như thế sao em? Cuộc sống thế thì lo lắng thật
linalol wrote on Jan 11
sydney2000 said
Đọc bài này, mấy dòng kết luận cuối cùng là hay nhất. Không có điều gì là không thể 
Không có gì là không thể!
linalol wrote on Jan 11
sydney2000 said
Đọc bài này, mấy dòng kết luận cuối cùng là hay nhất. Không có điều gì là không thể 
Thế theo Syd, kiểu như mấy ông lãnh đạo huyện Tiên Lãng có đọc về nguyên lý " cửa sổ bị hỏng" không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét