Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Hạnh phúc là gì?


Dec 17, '09 8:08 PM
for everyone
                                         Hạnh phúc là gì ?
Thật khó định nghĩa, giải thích một cách chính xác hạnh phúc là gì. Mỗi người có những cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Người ta thường dùng khái niệm “hạnh phúc” để chỉ cho sự thỏa mãn nhu cầu của con người, có nghĩa rằng hạnh phúc là sự thỏa mãn.

Nếu nói hạnh phúc là sự thỏa mãn thì chỉ có sự tự thỏa mãn, tự biết đủ mới giúp cho con người hạnh phúc. Bởi nhu cầu cuộc sống mỗi ngày một tăng cao, mỗi ngày thêm nhiều thì biết bao giờ thỏa mãn? Nếu có chăng là sự thỏa mãn tạm thời.  Và thế là người ta khó tìm được một giá trị hạnh phúc lâu dài bởi nhu cầu không bao giờ dừng lại, những nhu cầu cao hơn sẽ tiếp nối thay thế cho những nhu cầu ban đầu.

Nhu cầu của con người tăng theo lòng tham muốn, tỷ lệ thuận với lòng tham. Nhưng lòng tham muốn không làm cho con người hạnh phúc. Có nhiều cuộc khảo sát trên thế giới cho thấy rằng phụ nữ hạnh phúc hơn nam giới và người nghèo hạnh phúc hơn người giàu. Bởi người phụ nữ dễ thỏa mãn, dễ mãn nguyện hơn người đàn ông, rất ít phụ nữ có tham vọng cao xa ngoài cuộc sống gia đình và tình yêu, tình bè bạn, trong khi đó đàn ông có quá nhiều tham vọng về quyền lực, tiền tài. Còn những người nghèo thường có cuộc sống đơn giản hơn người giàu có, cuộc sống của họ không chịu nhiều áp lực nội tâm cũng như các áp lực bên ngoài, từ đó họ có nhiều hạnh phúc hơn. Những áp lực mà người giàu phải chịu về nội tâm có lòng tham, sự đố kỵ, hận thù; các áp lực bên ngoài là công việc, tiền bạc, những mâu thuẫn, xung đột, phiền toái từ cuộc sống xô bồ bận rộn, từ cuộc sống đua tranh.

Hạnh phúc là sự tự mãn nguyện. . Tự mãn nguyện ở đây là tự biết đủít tham muốn mong cầu, không đứng núi này trông núi nọ. Khi làm được như thế thì tự dưng thấy lòng thanh thản, thoải mái hơn. Những người sống theo chủ nghĩa thực dụng thì không tin điều này, thấy nó dường như phi lý, bởi thế mà họ chạy theo lòng tham muốn của mình. Và kết quả là vui ít khổ nhiều, cuộc sống vương nhiều hệ lụy, niềm vui của sự thỏa mãn chỉ là tạm thời mà sự lo âu, phiền muộn thì kéo dài dai dẳng. Đối với họ, hạnh phúc thật sự như cái bóng mờ không thể nào nắm bắt. Bằng chứng là có rất nhiều người nhà cao cửa rộng, có rất nhiều tiền của, có địa vị, danh vọng nhưng họ không hạnh phúc. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật cũng có dạy: “Người biết đủ tuy nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị ngũ dục sai khiến”
 .


Hạnh phúc trong hiện tại

Giây phút con người cảm nhận hạnh phúc là giây phút hiện tại, thời gian con người cảm nhận hạnh phúc là thời gian hiện tại, vì thế có thể nói hạnh phúc nằm ở hiện tại chứ không phải ở quá khứ hay tương lai. Khi hiểu được điều này, khéo sống và cảm nhận hạnh phúc ngay trong hiện tại chúng ta sẽ có được niềm vui, sự bình an mà không cần phải tìm kiếm hạnh phúc đâu xa, không cần phải có nhiều những nhân tố mà thế gian thường cho là làm nên hạnh phúc như tiền tài, địa vị xã hội, sự nổi tiếng, v.v…

Khi sống quay cuồng, mải chạy đuổi theo khát vọng, chúng ta vô tình bỏ quên những hạnh phúc mà chúng ta đang có, đến khi hạnh phúc mất đi hoặc khi chúng ta mỏi mệt trên đường đời, lúc đó chúng ta mới thấy rằng hạnh phúc không cầu kỳ và không ở xa xôi như ta tưởng. Những người bị bệnh tật hoành hành hoặc khi nằm liệt giường họ mới ý thức rằng có được một cơ thể khỏe mạnh thật sự là một hạnh phúc lớn lao, nó còn quý hơn cả bạc tiền. Nhưng trước đó họ không hề nghĩ điều đó, họ lao vào các cuộc ăn chơi sa đọa để tìm niềm vui, tìm hạnh phúc và dần dần đánh mất sức khỏe của mình. Khi gia đình tan vỡ, người ta mới ý thức được rằng có một tổ ấm gia đình trong đó các thành viên biết sống hòa thuận, yêu thương nhau là một hạnh phúc lớn lao, nhưng trước đó người ta mải lo chạy đuổi theo bóng sắc, tiền tài để tìm hạnh phúc.

Những hoài niệm, tiếc nuối quá khứ và những băn khoăn, lo lắng về tương lai cũng là những yếu tố khiến cho người ta quên đi phút giây hiện tại. Chúng ta thường sống với quá khứ và tương lai nhiều hơn sống với hiện tại, từ đó mà không cảm nhận được nhiều những gì đang diễn ra, không nhận biết nguồn hạnh phúc đang có mặt. Quá khứ không còn nữa, tương lai thì chưa xảy ra, chỉ còn hiện tại, cần nắm bắt hiện tại, sống với hiện tại thì mới ý thức được hạnh phúc đang có mặt ở bên ta.


ST

hoangvankhanh wrote on Dec 17, '09
:)
hoacucvang wrote on Dec 18, '09
Quan niệm 2 chữ HẠNH PHÚC rất vô cùng . Với em thì hạnh phúc đơn giản là :
" Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta thêm một ngày nữa để yêu thương "
cuoidekhonggia wrote on Dec 18, '09
Cho em xin đoạn cuối :)
kgiaoru wrote on Dec 20, '09
với tớ , hf là mõi khi tớ luôn nở nụ cười trên môi :)

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Cơm tấm đêm Sài Gòn.


Nov 16, '09 9:23 PM
for everyone
Cơm tấm đêm Sài Gòn
Nói về chuyện cơm tấm Sài Gòn thì ai cũng có thể kể suốt tháng quanh năm. Không hiểu món ăn nấu từ thứ gạo nát, gạo vụn này có từ bao giờ. Một người bạn lớn tuổi, gốc dân miền Tây chính hiệu kể, “Ngày xưa mỗi lần đi xay lúa, mấy cái máy xay lúa cũ xay nát gạo lắm nên có nhiều tấm. Chớ cơm tấm Sài Gòn ngon, chắc đâu phải nấu bằng thứ gạo tấm vụn mà ở quê người ta nấu cháo heo hoặc cho gà vịt ăn.”
Cũng từ xưa, cơm tấm là món ăn mà bất cứ người dân tỉnh nào khi lên Sài Gòn cũng muốn thưởng thức qua cho biết. Cơm tấm Sài Gòn không được quảng cáo ồn ào như Phở Pasteur hay mời mọc liền miệng như hủ tíu tàu Chợ Cũ, Chợ Lớn, nhưng nếu không ăn qua cơm tấm là coi như chưa từng đặt chân tới Sài Gòn. Có người nói, cơm tấm thì miền nào, tỉnh nào chả có, có nhà muốn ăn ra chợ mua gạo tấm về làm mỡ hành, đâm nước mắm pha tỏi ớt mà ăn có gì đặc biệt đâu.
Nói như vậy cũng đúng nhưng cũng cho thấy chưa biết gì về cơm tấm Sài Gòn. Nhớ những năm đầu thập niên tám mươi, đói khổ vì chế độ mới thời bao cấp. Một người bạn học từ miền Bắc vào hỏi tôi, “Mỗi đĩa cơm mà miếng sườn nướng to bằng bàn tay thế này thì chết, thịt tiêu chuẩn ở đâu ra thế ông?”
Vị ngon đặc biệt của cơm tấm bì chả, cơm tấm sườn, cơm tấm xíu mại, cơm tấm mắm chưng... ở Sài Gòn quả là không thể tả xiết. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu cho rằng cơm tấm Sài Gòn chỉ ngon vì những món nêu trên. Cái ngon đặc biệt của món cơm tấm là ở cơm tấm, mỡ hành và nước mắm. Trong ba thứ vị ngon trên, vị mỡ hành là số dách. Cơm tấm Sài Gòn làm mỡ hành ngon lắm. Nước mỡ thì trong veo, còn tóp mỡ lại vàng giòn, cái màu vàng của tóp mỡ và màu xanh của hành lá rưới lên dĩa cơm tấm mịn hạt, gợi nhớ hình ảnh buổi sáng trong vắt trên ruộng miền Nam.
Ngày trước người Sài Gòn thích ăn cơm tấm điểm tâm buổi sáng nhưng theo thời gian, theo sự thay đổi của nhịp sống, người Sài Gòn hôm nay còn có thú ăn cơm tấm chiều và khuya.
Cơm tấm đêm
Chúng tôi dù thuộc hạng thường ăn đường, ăn chợ, nhưng rất bất ngờ khi nghe bạn bè rủ đi ăn cơm tấm ban đêm. Bạn tôi nói, “Cơm tấm đêm Sài Gòn bán tới hai ba giờ sáng, ông ở cõi nào mới xuống mà khờ vậy!”
Ngồi phía sau xe một người bạn, chúng tôi chạy về phía cầu Phú Lâm, quận 6. Khu vực này nổi tiếng hễ mưa là ngập lút bánh xe, tôi cằn nhằn về chuyện có đáng vì một đĩa cơm tấm mà phải chịu nguy cơ hết đường về như vậy. Người bạn tôi nói, “Ê, đâu còn chỗ nào của Sài Gòn mà mưa không ngập. Cơm tấm chỗ này ngon, rẻ, ăn chỗ này mà gặp mưa thì mướn phòng trọ ở gần đó ngủ luôn tới sáng về sớm.”
Ðúng là vỉa hè đường Hồng Bàng đoạn gần chùa Tuyền Lâm, có một loạt quán cơm tấm đêm đèn đuốc sáng trưng. Nào là quán 303, 909, 271... nhìn từ xa đã thấy một vùng khói nướng sườn bay mù mịt. Trong đêm, dù người và xe ít hơn ban ngày nhưng thật khó tả cái cảm giác đi vào vùng khói sườn nướng trộn lẫn với khói bụi. Thiệt là vừa quyến rũ cái bụng đói lại vừa hại hai lá phổi.
Một người bạn khác cùng đi nói, “Tội nghiệp mấy người ăn chay quanh đây quá, ngửi mùi sườn nướng kiểu này hoài chắc chết.” Sài Gòn ngày nay là vậy, trong cái vũng hỗn loạn, mỗi người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.
Cái quán mà chúng tôi ghé vô ăn có tên là quán Năm Ðủ, được biết là quán ngon và bán đắt nhất nhì khu cơm tấm đêm này. Cả gia đình chủ quán với gần chục người đang tất bật phục vụ khách. Quán kê bàn sát lề đường, gặp hôm mưa thì bưng bàn chạy vào một xưởng máy phía sau, phía trên hướng gió và dưới hướng gió đều có lò nướng sườn nên thực khách vì cơm ngon mà phải ngồi ăn trong khói thịt nướng mịt mù. Trong xe trưng bày đồ ăn, bên cạnh những món cơm tấm quen thuộc còn có thêm trứng ốp-la, khô xé, thịt kho tàu, lạp xưởng... và món canh khổ qua dồn thịt. Có thể nói đây là một quán cơm đầy đủ các món chớ không đơn thuần là quán cơm tấm.
Người Sài Gòn ngày nay, nhất là dân nhập cư có thu nhập khá, thường ít khi nấu cơm ăn nhà, đó là một cách đỡ tốn công, đỡ tốn thời gian, đỡ phiền phức trong cảnh đời ở trọ. Giá cơm tấm sườn nướng ở đây chỉ có 13 ngàn đồng một đĩa, nếu là cơm sườn chả, bì, xíu mại... thì khoảng 16 ngàn, tính ra cũng chưa tới 1 đô la. Ngồi bàn cạnh chúng tôi là một gia đình với hai vợ chồng và một đứa bé. Bà vợ cho biết, “Ăn ở đây ba người chưa tới năm chục ngàn, chưa kể mắm muối, ga, gạo, vậy tính ra còn rẻ hơn tiền đi chợ ăn một buổi. Nhà tôi ưa ghé ăn, nấu nướng chi cho cực.” Ðiều bà nói đã phần nào đó giải thích cách sống của người Sài Gòn hôm nay. Ai nhìn bề ngoài cũng ăn tiệm, sắm đồ mới nhưng không hẳn là dư dả.
Ðược biết ở tất cả các quận nội ngoại thành Sài Gòn ngày nay, ở đâu cũng có quán cơm tấm chiều, cơm tấm đêm. Ở quanh các khu công nghiệp, một đĩa cơm tấm giá rẻ là món ăn mà công nhân làm ca đêm có quyền thưởng cho mình và bạn bè. Ở các khu trung tâm Sài Gòn, các cô gái diện như người mẫu ở vũ trường hoặc tiệm mat-xa... trên đường về cũng ghé cơm tấm đêm. Với cánh xe ôm, taxi, công nhân vệ sinh thì ngoài tô mì gõ, món ăn để lót bụng mà họ thường chọn là cơm tấm khuya.
Còn riêng với những chủ hàng cơm tấm đêm thì có người bán chỉ vừa đủ lời nuôi con, thậm chí có người chỉ dư cơm, đồ ăn cho chồng con ăn mỗi ngày, nhưng cũng không hiếm người mở quán mới đôi năm đã đủ lời cất nhà lầu.
Trong bối cảnh mà các bộ mặt tỉ phú của đô thị này đang bôi son trét phấn để cố che giấu những đồng tiền bất minh thì chuyện ăn dĩa cơm tấm đêm ngon miệng với người bình dân, coi như là chia sẻ một phần đời sống thật của dân Sài Gòn.
Theo dòng người nhập cư ào ạt vào Sài Gòn, những món ăn quen, thức uống lạ đua nhau mời mọc bàn dân thiên hạ. Từ tiệm mặt tiền đến quán hẻm nhỏ, đời sống ăn uống của người Sài Gòn cứ hồn nhiên. Nếu bạn nói rằng, tiệm này không vệ sinh, món kia thực phẩm có vấn đề thì bạn cứ trốn ở nhà để cho cơn thèm ăn hành hạ, chớ một khi ra phố, bước vào chỗ có bán thức ăn thì coi như chấp nhận thói quen rất Sài Gòn: Có món lạ món ngon là phải thử!

ST
hoacucvang wrote on Nov 16, '09
Đọc bài này làm em nhớ tới cơm tấm Ma dưới chân cầu Bông nè .
cuoidekhonggia wrote on Nov 18, '09
Troi oi dang doi bung ma doc bai viet nay thi ... Em cung biet 1 quan rat dong chuyen ban com tam dem thoi, nhung khong phai di xa du vay dau. Cơm tấm hơn nhau là nước mắm pha, chẹp... chẹp... thèm quá
snowsmiles wrote on Nov 19, '09
Đọc thấy hấp dẫn quá mà giá lại quá ư là bình dân nữa. Ui, thèm cơm tấm...
rictrn wrote on Nov 22, '09
đọc bài nầy, mỉnh cũng thèm ko kém gì các bạn. nếu mình ghé SG mình sẽ đốp 3 dỉa mợi được....ui, thèm ui là thèm.
yuminikki wrote on Nov 24, '09
Nhớ Sài Gòn quá !!!!!!!!

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Cà phê và thuốc lá.


Dec 8, '09 6:05 AM
for everyone
Cà phê và thuốc lá.
Trong chuyến đi Pháp vừa rồi, có hai điều tôi đặc biệt thích: Cà phê và thuốc lá.

Cà phê ở Pháp ngon. Điều đó nói cũng bằng thừa. Nhưng tôi thích nhất là cái không khí uống cà phê. Ở Úc, rất hiếm khi tìm được một quán cà phê mà chỉ có cà phê. Có. Nhưng rất hiếm. Thường thì quán cà phê bán cả thức ăn, phổ biến nhất là pizza và bánh ngọt, kèm theo các loại nước giải khát, từ coca cola đến các loại sinh tố.

Ở các tiệm cà phê ấy, người bán hàng thường chờ đợi khách vừa uống cà phê vừa ăn một món gì đó; thậm chí, nên ăn nhiều hơn là uống: Giá thức ăn thường cao hơn giá nước uống, do đó, lời nhiều hơn. Và cũng không nên ngồi lâu quá. Ở Pháp thì khác. Tôi thấy rất nhiều tiệm cà phê chỉ bán cà phê, hoặc nếu có thêm cái gì khác thì thường là bia và rượu. Chiều và tối có thể có nhiều người uống bia và rượu.

Còn buổi sáng thì hầu hết đều uống cà phê. Mỗi người một tách cà phê. Thường thì tách rất nhỏ. Với người phàm, hớp một cái là hết ngay. Người nghiện cà phê, ngược lại, không uống; họ chỉ nhấp. Những giọt cà phê đặc sánh tan trên lưỡi trước khi chảy vào cuống họng mang theo cả mùi thơm và vị đắng.

Trong các tiệm cà phê như thế, người ta thấy thanh khiết lạ lùng. Chỉ nghe mùi cà phê bốc lên từ chiếc tách trước mặt mình và từ những tách cà phê ở các bàn bên cạnh. Cả tiệm đầy ắp mùi cà phê.

Và nó cũng rất nhân tình. Với một tách cà phê nhỏ, bạn ngồi suốt buổi sáng ư? Không sao cả. Tôi đã từng ngồi như thế, vừa nhâm nhi tách cà phê vừa đọc sách và nhìn ngắm người qua kẻ lại trên đường. Không sao cả. Ngày trước, lúc còn ở Paris, tôi còn mang cả giấy bút ra quán cà phê để ngồi viết. Nhiều lúc, người bán cà phê thấy tôi loay hoay khổ sở với mớ sách báo và giấy tờ trên chiếc bàn nhỏ xíu bèn đẩy thêm một chiếc bàn nữa: hai chiếc bàn nối vào nhau cho một tên khách chỉ uống một, hai ly cà phê đen nhỏ xíu và rẻ mạt.

Mê cái không khí cà phê như thế, sáng nào tôi cũng thức dậy sớm và ra quán cà phê ngồi nhâm nhi. Thường thì uống đến 2, 3 tách.

Còn thuốc lá? Tôi đã bỏ thuốc lá từ lâu. Ở Úc cũng như ở Mỹ, những người hút thuốc lá bị kỳ thị rõ rệt. Không được hút thuốc lá ở nơi làm việc, đã đành. Luật còn cấm cả việc hút thuốc lá ở gần nơi làm việc nữa. Có nơi còn ghi rõ khoảng cách: Không được gần quá 10 mét. Hơn nữa, thiên hạ còn thường nhìn những người hút thuốc lá một cách ghê tởm. Nghe mùi thuốc lá, họ nhăn mặt, lấy tay bịt mũi và bước đi thật nhanh. Dường như họ sợ chút khói ấy có thể làm cho họ bị ung thư ngay tức khắc.

Qua Pháp thì khác. Thống kê cho biết ở Pháp có khoảng 12 triệu người, tức khoảng 20% dân số, hút thuốc lá. Ngoài đường, trong các tiệm ăn hay quán cà phê, ở đâu tôi thấy cũng có rất nhiều người hút thuốc lá. Dĩ nhiên, không phải trong tiệm. Nhưng ở Nice, phần lớn các tiệm ăn hay quán cà phê đều bày bàn ghế lấn ra ngoài đường, dưới những mái che. Ở đó, khách tha hồ nhả khói. Không có ai phàn nàn cả. Hút xong, cứ vất tàn thuốc thẳng xuống đường. Cũng không ai phàn nàn gì cả.

Ở Úc, tại những chỗ đông người hoặc dọc lề đường, người ta thường để các hộp gạt tàn trên các trụ cao vừa tầm tay. Người ta cho r
ăng`, không phải chỉ có khói thuốc mà cả tàn thuốc cũng có hại cho môi sinh: Tàn thuốc gây ra trung bình hơn 4000 vụ cháy ở Úc.

Ngoài ra, tàn thuốc còn chứa rất nhiều độc tố từ thuốc lá. Tàn thuốc ấy vất xuống đất, trôi vào các ống cống,
và từ các ống cống, trôi xuống sông: sông bị nhiễm độc; từ sông trôi ra biển: biển bị nhiễm độc. Cá ăn tàn thuốc: bị nhiễm độc; chim ăn tàn thuốc: bị nhiễm độc; người ăn chim và cá: bị nhiễm độc nốt. Có người còn tính: mỗi năm ở Mỹ có khoảng 250 tỉ tàn thuốc vất xuống đất; ở Úc, ít hơn, khoảng 7 tỉ; ở Anh, không có số tàn mà chỉ có trọng lượng: khoảng 200 tấn.

Ở Pháp, chắc người ta cũng thừa biết các điều ấy. Nhưng đi rất nhiều nơi ở Nice, tôi chưa từng thấy bất cứ một cái gạt tàn công cộng nào trên đường phố. Không. Bởi vậy, người hút thuốc không có cách nào khác ngoài việc vất thẳng xuống đường. Vất một cách tự nhiên như nhiên. Tôi chưa thấy ai tỏ vẻ khó chịu.

Trong không khí như thế, cộng với cảm xúc bồi hồi khi quay lại cái nơi mình từng sống trong những ngày đầu tiên của cuộc đời tị nạn, tôi cũng đã mua mấy gói thuốc và suốt ngày cứ bập bập, phì phèo và cũng thanh thản vất tàn thuốc xuống lề đường. Như bao nhiêu người khác.

Có thoáng chút cảm giác tội lỗi không? Thú thực, có. Nhưng, kệ.

Để lúc về lại Úc sẽ bỏ thuốc lá.

Và lại sống một cách lành mạnh.

Và vô vị như trước.

S.T.

hoangvankhanh wrote on Dec 8, '09
:) cười cái póc tem anh rồi em đọc nghe ;))
hoangvankhanh wrote on Dec 8, '09
Ở Úc, rất hiếm khi tìm được một quán cà phê mà chỉ có cà phê. Có. Nhưng rất hiếm. Thường thì quán cà phê bán cả thức ăn, phổ biến nhất là pizza và bánh ngọt, kèm theo các loại nước giải khát, từ coca cola đến các loại sinh tố.
-------------------------->>>>>>>>> Ở SG cũng thế thôi anh. Bán café ko có mà ngáp :DDDD
hoangvankhanh wrote on Dec 8, '09
ST là tên anh? Dịch nghĩa dùm VK đc ko? :D
sydney2000 wrote on Dec 8, '09
;)
hoangvankhanh wrote on Dec 8, '09
sydney2000 said
;) 
cười mà đc à? ko dễ dàng thế! :D
sydney2000 wrote on Dec 8, '09
:(
hoangvankhanh wrote on Dec 8, '09
sydney2000 said
:( 
hihiih... Anh viết rấ hay! :)
hoacucvang wrote on Dec 8, '09
Đọc bài này anh làm em nhớ caphe ở Đức rồi đây...lại nhớ đến ly Irish cream ngon tuyệt, vị quế thơm lừng... ui ui ui thèm quá, em là tín đồ của CF sữa anh Sơn ui, mà trái ngược với BB lại không biết " thưởng thức CF" thật là hoài phí quá hà .
cuoidekhonggia wrote on Dec 10, '09
Em được hưởng cái không khí nhâm nhi cà phê tại một nơi chỉ bán duy nhất cà phê với ghế đẩu và những con người thư thả rồi anh ạ. Rất tuyệt, nhưng bi giờ thì không còn nữa.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Hoa tím ngày xưa.


Nov 7, '09 8:01 PM
for everyone
Hoa tím ngày xưa
Bạn sẽ rất dễ dàng nhận ra mùa xuân ở Sydney. Đó là mùa mà quang cảnh đường phố bỗng tím rực lên bởi những bông hoa nở đầy trên cây và rụng khắp những lối đi trong thành phố.

Tôi cứ tự hỏi đó là loài hoa gì, đến một ngày kia thì biết được nó là hoa Jacarandas. 

Có những đêm Sydney trời đổ mưa, tôi cứ nhìn ra ô cửa sổ từ căn phòng lầu thứ 23 mà hình dung những cánh hoa Jacarandas sẽ rơi rụng tả tơi.

Sáng sớm hôm sau, tôi cố chịu khó đi đường vòng để thử xem khung cảnh những chỗ có cây Jacarandas như thế nào. Hoa tím vẫn nở trên cành, còn dưới gốc cây, vô số cánh hoa rơi lại tạo nên một sắc tím khác đẹp và lãng mạn không kém. 

Tôi nghĩ những cánh hoa rơi đã cố gắng kéo dài sự sống của mình thêm một lần nữa. Chúng làm đẹp cho đời một lần nữa...

Và như thế mùa xuân ở Sydney lại mang một màu tím ngát. Màu của sự nhung nhớ...

Cũng như một ngày rất xa nào đấy, chúng ta đã từng đứng tần ngần ở ngôi trường cấp ba lần cuối, lặng yên ngắm màu đỏ rực của những chùm phượng vĩ trên cây và cả thảm hoa đỏ rụng dưới sân trường.

Sydney không có tiếng ve kêu, nhưng tôi vẫn nghe vang vọng đâu đây màu của hoài niệm xưa cũ nơi những ngôi trường làng xiêu vẹo nên thơ, những con đường mòn lối nhỏ và mùa hoa phượng đỏ chia tay đến nao lòng.

Ở nơi phố thị phương xa quê người như Sydney bây giờ, đó là màu Jacarandas. Màu của "hoa tím ngày xưa"...
SYD Y.T.
hoangvankhanh wrote on Nov 7, '09
Màu tím đẹp quá anh... :)
aulac wrote on Nov 8, '09
Không biết con đường chụp trong ảnh là đường gì, suburd nào nhỉ? Có phải hoa nở vào tháng 9 khi bắt đầu vào xuân không nhỉ? Rất cám ơn nếu bạn cho biết tên con đường,.... để có dịp tui cũng phải tới tận nơi chiêm ngưỡng mới được. Very impressive, beautiful photo
cuoidekhonggia wrote on Nov 12, '09
Em không biết hàng cây này có phải là loài cây phượng tím tại VN hay không, nhưng Đà lạt cũng có những con đường cũng tím ngắt như thế và đã đi vào âm nhạc "đường phượng bay mù không lối vào hàng cây lá xanh gần với nhau..."
kgiaoru wrote on Nov 18, '09
hay nhỉ, tớ ko nghĩ rằng mùa xuân ở chỗ bạn lại có 1 màu tím quyến rũ như vay ,những ký ức cũng mộc mạc nhưng có lẽ với 1 đời người ko dễ gì quên được :)
kaylapro wrote on Nov 19, '09
Con đường hoa tím đẹp quá anh ơi! Có lẽ, năm tới em cũng sẽ đứng tại con đường này để ngắm hoa tím cho thỏa thích.
:)
snowsmiles wrote on Nov 19, '09
Em thường đi ngang con đường có hàng cây giống như vậy nhưng chưa từng thấy ra hoa tím bao giờ. Quá đẹp.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Dấu chấm than ...


Nov 4, '09 3:07 AM
for everyone
Dấu chấm than ...
Anh vẫn mãi chẳng thành thi sĩ
Vì thương em nên tập sự làm thơ
Vì yêu em nên lòng dạ ngẩn ngơ
Đem nhung nhớ trải đây` trên  giấy trắng
Vậy thôi em khi Hạ về hanh nắng
Anh phơi lòng cùng cái nóng thiên nhiên
Rồi Thu sang anh cũng vẫn buồn phiền
Theo lá uá và cây khô trơ trụi
Mùa Đông đến khi ngày tàn năm tận
Nhớ thương em trong cái lạnh đất trời
Lá trên cành mùa Xuân lại xanh tươi
Lòng vẫn héo vì xa em nhớ quá!
Anh vẫn mãi chẳng thành ca sĩ
Bài biệt ly nức nở khúc nhạc buồn
Chưa tròn câu mà lệ đã muốn tuôn
Hơi đứt đoạn nhớ em nhiều vô kể
Anh vẫn mãi vẫn hoài mà không thể
Vẽ hình em như hoạ sĩ bên đường
Căng khung rồi chỉ vẽ được chữ thương
Và kế tiếp chấm than buồn em ạ.
ST
hoangvankhanh wrote on Nov 4, '09
hihihi... Bài thơ hay wá...

Vậy chủ nhà là "anh" :) Em chào anh ạ!
hoangvankhanh wrote on Nov 4, '09
Anh vẫn mãi vẫn hoài mà không thể
Vẽ hình em như hoạ sĩ bên đường
Căng khung rồi chỉ vẽ được chữ thương
Và kế tiếp chấm than buồn em ạ.

----------->>>>> sao kết thúc lại là 1 chữ BUỒN vậy anh? :)